Luật sư Phạm Thanh Hữu cho biết dù doanh nghiệp dừng đóng bảo hiểm xã hội do khó khăn trong Covid-19, quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo.
- Pháp luật hiện hành quy định thế nào về việc doanh nghiệp dừng đóng bảo hiểm xã hội do kinh tế khó khăn trong Covid-19?
- Theo văn bản số 860 ngày 17/3 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do Covid-19 gây ra, dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên, hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do Covid-19 gây ra sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.
Đến hết tháng 6, dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND cấp tỉnh gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.
- Trong thời gian này, quyền lợi của người lao động liên quan đến chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp thất nghiệp sẽ thế nào?
- Theo quy định hiện hành, hằng tháng doanh nghiệp đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với mức 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp; 3% vào quỹ bảo hiểm y tế. Người lao động, đóng trên mức tiền lương tháng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; 1% vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp; 1,5% vào quỹ bảo hiểm y tế.
Văn bản 860 chỉ yêu cầu tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất; còn các khoản khác người lao động và doanh nghiệp vẫn phải đóng bình thường. Như vậy, quyền lợi về chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người lao động vẫn được đảm bảo như hiện hành.
- Vậy việc tạm dừng này tác động ra sao đến lương hưu, chế độ tử tuất của người lao động?
- Trong trường hợp này, quyền lợi về hưu trí và tử tuất của người lao động cũng không bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, văn bản số 860 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ cho phép doanh nghiệp tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất trong giai đoạn gặp khó khăn do Covid-19. Sau này, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ phải thực hiện đóng bù cho khoảng thời gian tạm dừng đóng. Do đó, quyền lợi về chế độ hưu trí và tử tuất của người lao động vẫn được đảm bảo.
Theo Ngọc Hỷ
- Bảo hiểm xã hội TP.Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh các hình thức giao dịch điện tử (24.04.2020)
- Một công ty ở Đồng Nai tặng 1 chỉ vàng/người cho hàng trăm công nhân (23.04.2020)
- TPHCM điều chỉnh giảm thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức (15.04.2020)
- Lao động tự do điêu đứng vì dịch (13.04.2020)
- Chính thức hỗ trợ cho nhiều đối tượng khó khăn do Covid-19 (11.04.2020)
- Hộ nghèo nào ở TP.HCM được nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19? (10.04.2020)
- Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch: Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế (09.04.2020)
- TP.HCM bắt đầu chi hỗ trợ cho người bị tác động bởi dịch Covid-19 (08.04.2020)
- 62.000 tỉ đồng hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng khó khăn (07.04.2020)
- Triển khai đúng đối tượng, tránh bị trục lợi (06.04.2020)